Hướng dẫn kiểm tra tình trạng máy phát điện trên ôtô
Hướng dẫn kiểm tra tình trạng máy phát điện trên ôtô, 179, Minh Thiện, CayLua.vn
, 17/03/2016 17:28:40Máy phát điện là thiết bị giúp sạc ắc qui và cung cấp nguồn điện cho tất cả các thiết bị sử dụng điện trên xe. Hướng dẫn dưới đây sẽ chia sẻ cùng bạn cách kiểm tra tình trạng máy phát điện đơn giản nhất.
Việc kiểm tra máy phát điện trên xe ô tô khá đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị một đồng hồ đo điện và tiến hành đo theo các bước sau:
1. Xác định vị trí ắc quy
Việc đầu tiên bạn cần làm là mở nắp capo và xác định vị trí ắc quy trên xe ô tô của mình. Tốt nhất bạn hãy tham khảo sách hướng dẫn sử dụng để xác định vị trí của ắc quy. Thông thường, ắc quy xe ô tô nằm bên trái hoặc bên phải khoang động cơ. Ở một số xe, ắc quy có thể đặt ở phía dưới ghế giữa.
2. Đo điện áp ắc quy khi tắt máy
Sau khi đã xác định được vị trí của ắc qui, bạn hãy sử dụng Volt kế để đo điện áp ắc quy. Lưu ý, bạn hãy đo điện áp khi xe không khởi động và phải đo đúng cực: que đỏ cực dương, que đen cực âm.
3. Đọc điện áp đo được
Khi xe không khởi động, nếu điện áp đo được lớn hơn hoặc bằng 12 Volt thì ắc quy xe ô tô của bạn hoàn toàn bình thường. Nếu điện áp ắc quy đo được nhỏ hơn 12 Volt thì chứng tỏ ắc quy xe của bạn đã hỏng và bạn cần thay thế ắc qui mới.
4. Đo điện áp ắc quy khi xe nổ máy
Khi có kết quả đo điện áp ắc quy lúc tắt máy, bạn hãy rút hết các dây đo và khởi động xe. Sau đó, bạn hãy tiến hành đo lại điện áp hai đầu ắc qui khi xe nổ máy.
5. Đọc điện áp đo được và so sánh
Sau khi có được điện áp ắc quy đo lúc máy chạy, bạn hãy so sánh kết quả này với điện áp đo được khi tắt máy. Nếu điện áp của ắc quy lúc máy đang chạy cao hơn điện áp ắc quy lúc xe tắt máy (khoảng 13.4 đến 14.2 volt) thì máy phát điện vẫn còn hoạt động rất tốt. Nếu kết quả so sánh theo chiều ngược lại thì máy phát điện của xe bạn đã bị hỏng. Bạn cần sửa chữa hoặc thay mới.
Những thao tác chăm sóc và bảo dưỡng xe ôtô đơn giản
Song song với việc bảo hành định kỳ tại các trung tâm thì việc tự bảo dưỡng xe ô tô cũng rất quan trọng. Sau đây là những bước đơn giản giúp xế cưng luôn khỏe mạnh.
Dán nhắc nhở trên kính chắn gió, thông báo qua tin nhắn điện thoại hoặc email, có rất nhiều cách khiến bạn “nhớ mãi không quên” lịch chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những lần kiểm tra định kỳ này thì sẽ không thể giữ phong độ tốt nhất cho xe ô tô. Vì vậy, tập hợp những mẹo cơ bản giúp người dùng tự bảo dưỡng và sử dụng xe hiệu quả.
Đi dọc đường phố, không khó khăn để bắt gặp những chiếc xe ô tô với các lốp xe mòn vẹt và nếu cứ tiếp tục tình trạng không được chăm sóc kỹ như vậy, xế cưng sẽ “dở chứng” trong một ngày không xa.
Lốp xe ô tô
Bắt đầu từ bánh xe, nếu có chút thời gian rảnh thì hãy đi quanh chiếc xe và kiểm tra bốn bánh một cách trực quan. Nếu dư giả thời giờ hơn, hãy xem xét 4 lốp một cách kỹ lưỡng hơn. Lốp xe là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với mặt đường và diện tích bề mặt tiếp xúc bé nhất là bằng lòng bàn tay. Do đó nếu lốp bị mòn thì độ bám đường của xe cũng sẽ giảm, đồng nghĩa với tỷ lệ gặp tai nạn gia tăng, đặc biệt tại những đoạn đường trơn trượt.
Nên tập thói quen kiểm tra lốp xe mỗi tuần một lần và tiến hành đo áp suất lốp. Lốp xe non là nguyên nhân của khá nhiều rắc rối trong quá trình điều khiển ô tô, đơn giản nhất là việc gây hao mòn cho lốp, tạo ra lực cản (tăng tiêu thụ nhiên liệu) và độ bám đường kém khi rẽ hoặc phanh. Người dùng có thể đặt mua máy đo áp suất lốp để kiểm tra liệu độ căng của lốp xe có phù hợp với điều kiện khác nhau của mỗi đoạn đường hay không. Ví như khi vận hành xe ở những đoạn đường nhiều cát thì nhất thiết phải giảm áp suất lốp, làm bánh xe non đi.
Hệ thống đèn ô tô
Tương tự như kiểm tra lốp, việc đảm bảo rằng hệ thống đèn ở cả trong và ngoài ô tô hoạt động tốt là điều cần thiết khi lái xe. Bạn có thể nhờ người khác giúp đỡ trong công việc này, đặc biệt là khi kiểm tra đèn hậu. Trong trường hợp đèn pha hoặc đèn hậu của xe bị hỏng thì cần lập tức sửa ngay, không chỉ vì sự an toàn của bản thân mà còn để tránh vi phạm luật giao thông. Nếu thấy đèn xe không đủ sáng, đừng vội thay bóng đèn công suất cao hơn vì như vậy sẽ làm mất hiệu lực bảo hành của xe, hoặc nghiêm trọng hơn, bóng đèn mới có thể làm chảy các bộ phận xung quanh do có nhiệt độ cao.
Luôn giữ xe ô tô sạch sẽ
Việc này khá đơn giản, trừ trường hợp với những gia đình có con nhỏ. Việc giữ sàn xe sạch sẽ và gọn gàng (mỗi tuần nên lau dọn, hút bụi nội thất và sàn xe một lần) sẽ giúp cho chiếc xe luôn ở trong tình trạng tốt, thói quen này sẽ giúp ích rất nhiều khi sang nhượng xe cho người khác hoặc cho đại lý. Phần lớn mọi người sẽ đánh giá nội thất để kết luận xe ô tô được chăm sóc tốt thế nào, từ đó, dễ dàng nhận thấy tình trạng xe. Điều này chứng tỏ việc vệ sinh xe thường xuyên và đúng cách là một mẹo nhỏ cực kỳ hữu ích.
Một lời khuyên khác là, nếu dùng dung dịch tẩy rửa trong quá trình lau dọn thì chú ý đừng để chúng dính vào tay gạt số, vô-lăng bằng kim loại hoặc chân phanh. Tất nhiên nếu lau chùi bằng dung dịch thì các bộ phận này có thể luôn “sáng bóng như mới”, nhưng đồng thời chúng cũng trở nên trơn trượt, khó điều khiển và có khả năng gây tai nạn.
Tiếp theo là những lưu ý khi làm sạch ngoại thất. Có rất nhiều tiệm rửa xe nên việc thường xuyên làm sạch ô tô hẳn đã không còn khó khăn. Tuy nhiên, tự mình rửa xe tại nhà lại khá thú vị. Thường xuyên rửa xe không chỉ giúp cho ô tô luôn sạch sẽ, loại bỏ được bụi đường nhựa cây, thậm chí phân chim (Phân chim làm mòn lớp sơn bóng bề mặt xe ô tô) mà còn giúp tạo ra một lớp ngăn cách giữa lớp sơn xe và các ảnh hưởng từ thời tiết (nên dùng sáp trong quá trình lau dọn để đạt kết quả như mong đợi).
Ngoài ra, khi rửa xe nên có ít nhất hai chiếc xô đựng nước và hai miếng bọt biển, một để lau thân xe, và một để làm sạch bánh xe.
Kiểm tra nước sơn và kính chắn gió xe ô tô
Thời điểm rửa xe chính là lúc thích hợp nhất để kiểm tra bề mặt ô tô. Cần quan sát kỹ càng những chỗ xước, bong tróc ở lớp sơn bên ngoài vì chúng có thể dẫn đến tình trạng gỉ. Tương tự, những vết nứt và hư hại ở kính chắn gió cũng cần được quan tâm đúng mức. Khi lái xe, chỉ cần gặp sương dày, xóc nảy mạnh hay va đập với đá thì những hư hại nhỏ đến đâu cũng có thể làm hỏng kính chắn gió, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Và đừng quên kiểm tra cửa nóc xe, bởi chúng có thể vô tình bị làm vỡ. Cần gạt nước cũng cần được kiểm tra thường xuyên. Đừng đợi đến lúc kính bẩn, để lại vết xước hay phát ra tiếng kêu rồi mới phát hiện ra vấn đề. Hãy thay thế miếng cao su của cần gạt nước nếu chất lượng không đảm bảo.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
Những bước bảo dưỡng kể trên khá dễ thực hiện và hoàn toàn có thể biến thành thói quen hàng ngày hoặc hàng tuần của bất kỳ lái xe ô tô nào. Theo các chuyên gia giàu kinh nghiệm về ô tô, một điều không nên bỏ bê chính là đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất. Điều này không có nghĩa là nằm lên giường rồi đọc một chương mỗi tối trước khi đi ngủ mà đơn giản chỉ cần nắm rõ một vài điều như loại dầu nào được nhà sản xuất khuyên dùng, nên thay dầu khi nào (mặc dù đây là việc sẽ được làm trong buổi bảo dưỡng định kỳ, nhưng bạn hoàn toàn có thể tự mình làm), bộ lọc không khí và dây curoa cam đang dùng là loại nào. Việc nghiên cứu hướng dẫn sử dụng càng đặc biệt cần thiết khi mua một chiếc xe cũ.
Kiểm tra các loại chất lỏng trên xe ô tô
Kể cả với những ai không bao giờ tự tay thay dầu, tra dầu trợ lực tay lái hoặc dung dịch làm mát cho xe thì việc biết cách kiểm tra lượng chất lỏng còn lại vẫn rất cần thiết. Phần lớn các xe đều có các nắp vặn, nắp đậy sáng màu ở những bộ phận này nhằm gây chú ý với người dùng khiến họ thường xuyên kiểm tra.
Phần lớn các trường hợp, nếu không thể quan sát số trên que đo độ sâu thì sẽ nhìn được thấy lượng chất lỏng còn lại trong bình chứa. Đa số sẽ có vết khía hình chữ V chỉ ra lượng tối ưu. Nếu mực chất lỏng thấp hơn mức này thì đã đến lúc nên bổ sung rồi (nên đọc sách hướng dẫn để chắc chắn rằng bạn sử dụng đúng dụng cụ bơm chất lỏng). Bạn cũng nên kiểm tra lượng dầu và màu sắc của nó. Dầu được dùng trong xe giống như “cửa sổ tâm hồn” của động cơ ô tô vậy. Nếu nó sạch và trong thì hẳn bạn luôn chăm chút cho xế của mình, còn nếu không, dầu có màu lạ thì tốt nhất nên đưa thẳng xe đến tiệm sửa xe gần nhất để được kiểm tra.
Kiểm tra, thay thế các bộ phận xe ô tô khi cần
Phần trên đã nhắc đến cần gạt nước và có nhấn mạnh rằng khá dễ dàng để thay thế chúng. Tương tự, việc thay thế bộ lọc không khí cabin cũng khá đơn giản (tìm hiểu thêm về vị trí cũng như vòng đời của nó trong sách hướng dẫn sử dụng). Hầu hết các salon ô tô đều bán các phụ tùng thay thế và thao tác đơn giản cần làm chỉ là tháo bộ phận cũ ra, thay phụ tùng mới vào và vặn cho thật chắc tay. Bộ lọc khí động cơ cũng được đánh giá là khá dễ thay thế, mức độ dễ dàng phụ thuộc vào tùy từng dòng xe.
Hãy thường xuyên nghiên cứu hướng dẫn sử dụng để biết chi tiết bao lâu thì nên thay thế các bộ phận Bugi - một phụ tùng mà bất cứ ai cũng có khả năng tự tay thay hay kiểm tra. Nếu không thể làm được những điều trên thì chí ít hãy biết vị trí của nó ở đâu. Phần lớn bugi thường có “hạn sử dụng” khoảng 100.000 km (Bugi Iriddi). Bộ phận cuối cùng cần nhắc đến chính là dây curoa cam/sên cam.
Hướng dẫn sử dụng sẽ cung cấp cho ta thời gian cụ thể cần thay thế những bộ phận này. Kể cả bạn không tự mình thay thế được thì việc biết vị trí cũng như thời gian cần thay thế cũng rất cần thiết, vì hóa đơn để sửa chữa dây curoa cam/sên cam là siêu đắt đỏ.
Danh sách những điều giúp bảo dưỡng ô tô căn bản này được đưa ra để giúp bạn tìm hiểu và tham gia vào quá trình hoạt động của “người bạn đồng hành trên đường”, thay vì chỉ coi xe là công cụ đưa bạn đi từ nơi này đến nơi khác. Mỗi chiếc ô tô đều là cả một gia tài, nếu được sử dụng và bảo trì nó đúng cách, người dùng sẽ có thể tận hưởng sự thoải mái và an toàn. Việc bảo dưỡng thường xuyên luôn cần thiết, và nếu thấy cảm thấy bộ phận nào đó có vấn đề, hãy nhớ đem xe đi kiểm tra ngay.
>> So sánh Kia Morning và Daewoo Matiz
Khi nào cần thay ắc quy xe
Thông thường, ắc quy sẽ có tuổi thọ từ 1-4 năm và tùy theo lý do mà có thể phải thay thế sớm hơn dự định. Dưới đây là một vài cách giúp bạn nhận biết khi nào ắc quy cần thay mới.
Đây là một trong những kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng ô tô bạn nên biết. Trên thực tế, ắc quy xe có nhiệm vụ là cấp điện cho starter và hệ thống phun nhiên liệu, từ đó giúp xe khởi động. Sau khi xe bắt đầu nổ máy, bộ phát điện sẽ hoạt động để cung cấp điện nạp ắc quy và các thiết bị chạy điện khác trong xe.
Thông thường, bạn có thể dùng đồng hồ đo điện đa năng, đo điện áp mạch hở và điện áp khởi động ắc quy là sẽ biết ắc quy đã cần thay thế chưa.
Lấy số đo “điện áp mạch hở”
Điện áp mạch hở có thể biểu hiện khả năng trữ điện của ắc quy. Để đo, bạn hãy làm theo quy trình sau:
- Loại bỏ tĩnh điện: Tuy ắc quy không phải là tụ điện nhưng cấu tạo của nó cũng tương tự, với nhiều bản kim loại song song, ngăn ngoài bởi lớp cách điện. Ắc quy cũng tích tĩnh điện như 1 tụ điện thông thường nếu nối với nguồn sạc. Để lấy số đo điện mạch hở chính xác, bạn cần loại bỏ tĩnh điện bằng cách bật công tắc điện qua nấc ACC và bật đèn pha trong 3 phút, sau đó cho ắc quy nghỉ 10 phút. Để đo, bạn nối Volt kế với ắc quy, dây đỏ với cực dương, dây đen với cực âm của ắc quy. Lúc đó, số đo hiện trên màn hình đồng hồ chính là “điện áp mạch hở”.
Với xe sử dụng ắc quy AGM, còn được gọi là ắc quy khô, ắc quy kín thì các thông số sẽ khác. Quan sát nếu điện áp mạch hở trên 12,8 Volt chứng tỏ ắc quy còn khả năng tích điện 100% và không cần bảo trì. Nếu điện áp mạch hở dưới 12,5 Volt, có nghĩa khả năng tích điện dưới 75%, cần thay ắc quy.
Với xe sử dụng ắc quy truyền thống, nếu điện áp mạch hở trên 12,6 volt thì có nghĩa ắc quy vẫn còn tốt, còn nếu điện áp mạch hở dưới 12,4 volt thì ắc quy đã cần thay.
Đặc biệt chú ý là trước khi quyết định bỏ ắc quy bạn cần sạc đầy ắc quy bằng máy sạc nguồn ở nhà và đo lại điện áp mạch hở một lần nữa, tránh trường hợp đo sai, gây lãng phí ắc quy.
Trên thực tế, việc đo điện áp mạch hở có thể cho ta biết ắc quy có chất lượng như thế nào. Nếu ắc quy còn mới, nạp đầy mà không khởi động được xe, bạn cần “kiểm tra tải động” của ắc quy.
Lấy số đo “điện áp khởi động”
Theo nguyên lí, điện áp khởi động là điện áp của ắc quy sau khi cấp điện cho starter được 3 giây và trước khi máy nổ. Muốn đo được “điện áp khởi động” bạn cần có thêm 1 người giúp đỡ. Trong đó, 1 người dùng Volt kế đo, 1 người đề máy. Khi chưa đề máy, đồng hồ hiện 12,8 volt, khi đề máy con số này sẽ giảm, số hiện ở giây thứ 3 trước khi máy nổ chính là “điện áp khởi động”.
Cần quan sát, nếu điện áp khởi động sụt xuống còn 9,5 volt ở nhiệt độ 21 độ C hoặc 9,3 volt ở 4 độ C, bạn chắc chắn cần thay ắc quy mới.
Ngoài ra, số đo điện áp hiện ra sau khi máy nổ là số volt của hệ thống phát điện sạc ắc quy. Thông thường, các đời ô tô cũ sử dụng ắc quy truyền thống sẽ có điện áp là 13,5 volt, còn xe đời mới sử dụng ắc quy khô thì điện áp thường là 14 - 14,8 volt (ở tua máy 2000 vòng/phút).
Bạn cần chú ý không đề máy quá 5 giây, rất không tốt cho ắc quy và starter (đây là một trong những kinh nghiệm sử dụng xe ô tô cơ bản mà bạn cần chú ý).
Tổng kết, nếu bạn muốn yên tâm tuyệt đối, hãy thay ắc quy mới ngay khi phát hiện 1 trong 2 số đo điện áp trên tụt xuống dưới định mức. Còn nếu bạn quan tâm đến chi phí thì hãy áp dụng một số mẹo bảo dưỡng ắc quy ô tô hiệu quả, đợi đến khi cả 2 chỉ số xuống dưới định mức mới cần thay ắc quy.
Hướng dẫn kiểm tra tình trạng máy phát điện trên ôtô Bạn của nhà nông
Các bài viết liên quan đến Hướng dẫn kiểm tra tình trạng máy phát điện trên ôtô, Bạn của nhà nông
- 07/12/2017 Cây trà xanh làm kiểng 3397
- 20/03/2020 CayLua.vn trên các Mạng Xã Hội 166
- 01/02/2018 Hướng dẫn lái xe tải chở hàng an toàn 1005
- 24/11/2017 Mua bán xe tải Hyundai HD120s 845
- 28/01/2016 So sánh Kia Morning và Daewoo Matiz 2586
- 09/12/2015 Túi xách đẹp cho sinh viên 2939
- 29/01/2016 Phụ tùng ôtô Toyota 950
- 23/01/2016 Xe Toyota Crown 1187